Nếu một lần đặt chân đến xứ Lạng, bên cạnh việc thăm thú những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ thì đừng quên thưởng thức những món ngon Lạng Sơn nức tiếng, khiến ai từng có cơ hội thưởng thức cũng lưu luyến mãi không quên, trong bài viết dưới đây của bloghomestay chúng ta sẽ cùng đi khám phá 10 món ngon đã làm nên bản sắc, nét đẹp trong ẩm thực xứ Lạng các bạn nhé!
1. Vịt quay và Phở vịt quay – Vịt quay Lạng Sơn ngon
Đây là một trong những món ăn ngon nức tiếng ở Lạng Sơn mà các bạn không thể bỏ lỡ khi có dịp tới đây. Vịt quay ở đây là giống vịt bầu Thất Khê. Sau khi được làm sạch, vịt được sẽ tẩm hương liệu, hành, hạt tiêu, quả móc mật, nhồi vào bên trong, tiếp đó khâu lại. Phần bên ngoài da được tẩm mật ong và để chừng 10 phút, sau đó vịt sẽ được quay trên bếp than với loại than hoa chừng 15 phút. Khi quay xong nhúng vào chảo mỡ, đảo đi đảo lại khoảng chừng 15 phút cho ra giá đỡ để nguội. Khi quay vịt đòi hỏi kỹ thuật không cháy đen, đảm bảo độ nóng, quay càng lâu thì thịt sẽ càng thơm ngon, hấp dẫn. Thịt vịt phải thấm màu mật ong, có hương vị đậm đà của hương liệu, thì đó mới là thịt vịt ngon.
Phần nước mỡ khi quay vịt xong được sử dụng để chan phở vịt. Khi thưởng thức một bát phở vịt quay Lạng Sơn ngon, cho thêm một vài lát măng chua được ngâm ở trong lọ để sẵn, mùi thơm của thịt vịt, nước dùng sóng sánh cùng với vị chua của măng sẽ tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn đặc sản vùng biên giới.
Gợi ý một số quán vịt quay ngon nhất Lạng Sơn:
- Phở Vịt Quay Hải Xồm, đường Bà Triệu
- Quán phở ở mặt sau Bưu điện Tỉnh Lạng Sơn (nằm ở phố Thân Thừa Quý – Tp Lạng Sơn)
- Quán vịt quay Mật Mật số 15 Bắc Sơn – Tp Lạng Sơn
2. Phở chua Lạng Sơn
Món đặc sản lâu đời này được chế biến vô cùng cầu kỳ, có hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Khi ăn, bạn nên ăn nhanh mì chua mới cảm nhận hết được hương vị đặc biệt của món ăn này. Phở chua hiện được bán ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng chỉ có Lạng Sơn là được biết đến nhiều nhất.
Tham khảo địa chỉ ăn phở chua ngon ở Lạng Sơn:
- Quán phở chua, đường Lê Lai
- Quán phở chua, đường Bắc Sơn (Gần trường THCS Hoàng Văn Thụ)
3. Bánh cuốn trứng Lạng Sơn – Đồ ăn vặt Lạng Sơn
Khách du lịch nếu có dịp ghé đất Lạng Sơn thì đừng bỏ qua món bánh trứng cuốn đặc sản nhé! Không cầu kỳ, cao sang nhưng bánh cuốn trứng Lạng Sơn lại là món ngon đặc sản mang hương vị dân dã cực kỳ hợp với khẩu vị của người Việt.
Bánh cuốn Lạng Sơn thưởng thức càng nóng lại càng ngon, bánh dẻo, thơm ngậy ăn hoài không chán. Ăn bánh cuốn Lạng Sơn thì đương nhiên phải chấm với nước chấm ở Lạng Sơn thì mới phải vị. Đa phần người dân bản địa xứ Lạng thích dùng nước chấm được làm bằng giấm hơn. Vị thanh thanh của giấm khi hòa quyện cùng với vị béo ngậy của trứng sẽ khiến thực khách muốn ăn hoài.
Thưởng thức bánh cuốn trứng vào lúc trời vào mùa là thú vui, thói quen của người xứ Lạng. Các bạn khi đến Lạng Sơn cũng nên thử qua thú vui này nhé!
Gợi ý điểm mua:
- Bánh cuốn bà Loan số 119 đường Bắc sơn, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
4. Khâu nhục – Món Ngon Lạng Sơn
Món Khâu nhục Lạng Sơn là món đặc sản không thể thiếu trong ngày tết. Được bắt nguồn từ Trung Quốc, món ăn khâu nhục Lạng Sơn lại được người dân Tày, Nùng cải biến và thay đổi hơn hẳn so với “bản gốc”.
Món khổ nhục Lạng Sơn được chế biến khá cầu kỳ với các nguyên liệu chính là thịt ba chỉ, ướp kỹ các loại gia vị như húng lìu, địa liền, ngũ vị hương, mật ong, rượu… đem hấp cách thủy cùng khoai môn, lá tàu soi cho tới khi thịt chín, mềm nhừ.
Gợi ý điểm mua:
- Các quán ăn trên đường Ngô Quyền, thành phố Lạng Sơn.
5. Bánh Cao Xằng
Nguyên liệu chính để làm nên món bánh Cao Xằng là gạo tẻ. Gạo phải là loại tẻ ngon, trắng, có mùi thơm, nấu cơm thơm dẻo và làm bánh thì ngon và mượt. Bánh cao xằng hấp khá cầu kỳ, phải chia làm ba lần. Nếu để một lớp dày bánh sẽ chín không đều, bên cạnh đó cũng không được dai và ngon. Khi bánh chín, tỏa ra mùi thơm của bột gạo, hòa quyện với mùi hành phi vô cùng hấp dẫn. Dùng dao sắc, cắt bánh thành hình chữ nhật khoảng cỡ bao diêm sau đó rắc thêm chút lạc rang giã dập.
Nhiều loại bánh hấp khác thường được ăn kèm cùng nước chấm hoặc nước sốt thì bánh cao xằng ở đây lại thường được ăn kèm cùng… nước canh. Nước canh được chế biến bằng cách hầm xương heo, đặc biệt là xương ống, vớt hết bọt, rồi thêm hành hoa và mùi tàu thái nhỏ.
Địa chỉ ăn bánh Cao Xằng ngon:
- Số 223 đường Bắc Sơn (ở Dốc Phai Món – Tp Lạng Sơn)
6. Bánh Áp chao
Bánh áp chao chính là loại bánh đặc sản, đồ ăn vặt Lạng Sơn nổi tiếng. Đến xứ Lạng mà chưa thử qua bánh áp chao thì chẳng khác nào chưa từng đặt chân đến.
Áp chao được làm từ thịt vịt, nghe có vẻ đơn giản nhưng được chế biến khá độc đáo. Cùng là thịt vịt nhưng chia làm hai loại và bày trên hai đĩa, một đĩa là thịt vịt chao dầu đã được tẩm ướp húng lìu, đĩa còn lại là thịt vịt bọc bột nếp chiên vàng. Nhìn đĩa thịt vịt có màu nâu vàng ruộm bên cạnh đĩa rau sống xanh mơn mởn, chưa ăn mà cũng đã thấy ngon miệng rồi. Thịt vịt chao dầu được dùng cùng bát nước chấm gồm gia vị, ớt, giấm ngâm măng đắng và mắc mật. Ăn thấy có vị đậm đà của thịt vịt khi được tẩm ướp kĩ càng, ngoài ra còn có vị chua chua của thứ nước chấm rất riêng.
Địa chỉ ăn bánh áp chao ngon:
- Hàng ăn áp chao Xuân Sửu số 252 Bà Triệu, Tp Lạng Sơn
7. Lợn quay – Đặc sản Lạng Sơn
Lợn quay ngon không thiếu gì ở miền xuôi, nhưng lợn quay Lạng Sơn lại mang hương vị thơm ngon hiếm có. Người ta vẫn hay nói rằng, ăn heo quay thì nhớ đến Lạng Sơn là vì vậy. Lợn quay mắc mật chính là món ngon đặc sản Lạng Sơn mà ai ai cũng si mê bởi độ ngon, độ giòn cũng như độ đậm đà của món.
Gợi ý điểm mua:
- Quán ông Gù số 215 Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn
8. Bánh chưng đen Bắc Sơn
Trong các loại bánh đặc sản của Lạng Sơn, bánh chưng đen luôn là một cái tên tiêu biểu và khác biệt. Bánh chưng đen là bánh chưng của người Tày, loại bánh này có một màu đen bóng lạ mắt hoàn toàn khác biệt với các loại bánh trưng thường thấy.
Chúng được làm chủ yếu từ các nguyên liệu quen thuộc như gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh. Cái làm nên sự khác biệt có lẽ là cách người bản địa tạo nên màu sắc đặc trưng cho chiếc bánh. Sau mua gặt, người ta sẽ lựa chọn những cọng lúa nếp đều nhất, vàng nhất, to nhất, sau đó đem đốt thành tro. Vò thật kỹ cho tro mịn ra và đem trộn với gạo nếp đã ngâm sẽ giúp bánh khi hoàn thành sẽ có một màu đen bóng bẩy. Bánh được gói thành đòn dài giống như bánh tét, khi ăn thì dùng lạt tét thành từng khoanh vừa ăn.
Gợi ý điểm mua:
- Chợ Đông Kinh – tại Phai Vệ, Vĩnh Trại, Thành phố Lạng Sơn
9. Xôi cẩm
Xôi lá cẩm xứ Lạng có màu tím nhờ có nước luộc thứ lá gọi là lá cẩm, rộ nhất là vào tháng tư tháng năm. Lá cẩm sau khi luộc sẽ được lấy nước và đem ngâm với nếp qua một đêm. Hạt nếp trắng tinh sau khi ngâm sẽ từ từ chuyển sang màu tím, nhiều người thường đùa nhau đó là vì đã bị “thuốc tím” bám vào. Màu của xôi cẩm cũng là màu của hạt nếp sau khi được ngâm.
10. Cơm lam Bắc Sơn
Nhắc đến cơm lam, nhiều người sẽ nhớ ngay đến những vùng đất nổi tiếng như Hoà Bình , Sơn La, Cao Bằng… nhưng nếu đã một lần đặt chân đến Bắc Sơn, Lạng Sơn và được thưởng thức món cơm lam của bà con dân tộc Tày thì chắc chắn bạn sẽ không thể quên được cái hương vị đậm đà riêng của nó.
Người Tày ở Lạng Sơn có bí quyết làm cơm lam riêng, do đó cơm lam của họ có mùi vị đặc trưng riêng. Món ăn Lạng Sơn này có mùi ngầy ngậy của nếp, trộn với mùi béo của lạc và hương nồng của lá mắc mật. Cái tạo nên hương vị riêng ở đây là họ trộn lạc với gạo nếp sau đó đem nén vào ống tre. Sau khi nén chặt gạo và cho nước vào, họ sẽ lấy lá mắc mật nút chặt ống. Việc nút gạo bằng lá mắc mật sẽ tạo mùi thơm riêng có, hơn nữa còn ngăn không cho nước vào ống làm nhạt cơm.
Với 10 món ngon Lạng Sơn mà bloghomestay vừa giới thiệu trên đây, hy vọng bạn và gia đình sẽ có được những trải nghiệm đáng nhớ ở mảnh đất Lạng Sơn. Ẩm thực xứ Lạng còn rất nhiều món ăn và hương vị đặc biết khác mà chúng tôi chưa thể tổng hợp trong bài viết này, hãy cùng gia đình, bạn bè và người thân khám phá nét đẹp của ẩm thực xứ Lạng, chúng tôi tin rằng những trải nghiệm đó sẽ không làm bạn thất vọng đâu.